Ngày đăng: 03/03/2013 Vì sao Đà Lạt có hoa

Vào lúc bình minh khi người Đà Lạt có thể nhìn thấy những giọt sương long lanh trên cánh hoa hồng thì ở Pari cả thành phố đang còn chìm trong ánh điện.


Tuy ở xa nhau nửa vòng trái đất nhưng nhiều loài hoa cùng có mặt ở Đà Lạt và Pari. Vì sao ở Đà Lạt có nhiều hoa? Hoa từ đâu đến và đến từ bao giờ?


Từ xa xưa trên mãnh đất Đà Lạt ngày nay, núi lửa hoạt động dữ dội, phun liên tục hết ngày này sang ngày khác, hết đêm này sang đêm khác. Nham thạch từ lòng đất trào lên phủ nhiều vùng rộng lớn một lớp áo dày. Sau đó, nham thạch nguội dần với thời gian. Hai loại nham thạch chính ở Đà Lạt là đá hoa cương (Granit) và huyền vũ (Bazan). Do tác động của khí hậu, thời tiết, những trận mưa như trút nước, nham thạch tan rã thành 3 loại đất: Đất nâu đỏ Bazan; đất vàng đỏ trên đá macma axit; đất đỏ vàng trên đá sét và đá biến chất. Đó là điều kiện thích hợp cho các loài hoa sinh sôi nảy nở.

Đà Lạt nằm trên thành phố cao nguyên Lang-bi-an ở độ cao 1.500m so với mặt nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ, ôn hoà rất thuận lợi cho các loài hoa chọn nơi này cư trú. “Khí hậu độc đáo, phong cảnh độc đáo, kiến trúc độc đáo. Ba nét độc đáo ấy đã tạo nên danh tiếng và vẻ đẹp của Đà Lạt, một thành phố nằm cách mặt biển 1500 m ở phía Nam Tây Nguyên. Mặc dù vào cao điểm của mùa hè, ở đây không có cái nóng nung người và không khí ẩm ướt như ở vùng ven biển. Hồ nước trong xanh và tiếng thông reo rì rào quyến rũ không những các nghệ sĩ, nhà thơ mà nhiều người ở các tỉnh lân cận và du khách nước ngoài. Nhiều người Pháp muốn biến Đà Lạt thành một “Pa-ri thu nhỏ”, nên họ đã mang nhiều giống hoa đem trồng ở Đà Lạt” (“Mùa hoa nở” - 10/1980). Người Pháp ở Đà Lạt cũng là người tứ xứ: từ vùng măng-đi (Normandie), từ những ngọn đồi vùng A-toa (Artois) đến những dãy núi Py-rê-nê (Pyrenece). Do đó hoa từ nhiều vùng nước Pháp đã có mặt ở Đà Lạt. Về sau, nhiều người Việt Nam có dịp ra nước ngoài cũng đã mua giống hoa mang về Đà Lạt. Một số người Đà Lạt cũng đã gửi mua giống hoa của Pháp, Ba Lan, Nhật, Mỹ…Vườn hoa Đà Lạt cũng đã phổ biến rộng rãi cho người dân rất nhiều giống hoa mới.

Năm 1914, một làn sóng người Pháp đổ xô lên tận Đà Lạt vì cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất xảy ra khiến người Pháp không thể về Pháp nghỉ hè. Từ năm 1923 đến năm 1939, Đà Lạt bước vào thời kỳ phát triển. Theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Ê-bra (Ernest Hebrard), thành phố có thể đông tới 300.000 dân hay hơn nữa Đà Lạt sẽ trở thành thủ đô của Liên bang Đông Dương. Năm 1933, con đường bộ từ Sài Gòn lên Đà Lạt qua đèo Blao bắt đầu được sử dụng. Tại đây, một trạm khí tượng và thực nghiệm nông nghiệp được thành lập để trồng rau và hoa phương Đông. Sau một thời gian thực nghiệm, trạm nhận xét: Rau trồng tại đây tốt như tại Pháp, nhất là các loại đậu, khoai tây, cải bông, ac-ti-sô, dâu tây…Các loại hoa từ Pháp đem sang trồng thử đều rất thích hợp

Trong bài hát Mimosa dưới những nốt nhạc tiểu tiên, nhạc sĩ Trần Kiết Tường đã nêu câu hỏi: Mimosa, từ đâu em tới? Mimosa vì sao em tới đất này? Ở phần cuối bài hát, nhạc sĩ đã tìm thấy câu trả lời: Mimosa đã đến Đà Lạt: “Vì em yêu cuộc sống trên cao có thông reo rì rào/Vì em yêu dòng thác Cam Ly như cuộc sống đang dâng trào/Vì em yêu nước Hồ Xuân Hương/Yêu thành phố hương hoa/Đã từng lưu luyến trái tim ta”. Dưới con mắt nhạc sĩ Trần Kiết Tường có thể nhân cách hoá Mimosa thật đẹp nhưng dưới ánh sáng khoa học cần câu trả lời lôgich hơn. Mimosa và các loài hoa phương Tây đã đến Đà Lạt vì rất nhiều lý do phức tạp.

Chúng ta hãy ngược dòng lịch sử, trở về những năm cuối cùng của thế kỷ XIX. Năm 1883 rời Sài Gòn, bác sĩ Alexandre John Emile Yersin đã vượt thác Trị An, đến Tánh Linh vượt sông La Ngà, vượt đèo lội suối đến Di Linh và men theo một con đường mòn đến thác Pren vào ngày và đặt chân lên cao nguyên Lang-bi-an hiện nay.

Từ năm 1949 đến năm 1954, Đà Lạt là thủ phủ của “hoàng triều cương thổ”. Nhiều tôn thất và người Huế đã đến Đà Lạt sinh cơ lập nghiệp. Bên cạnh những người con của sông Hồng, sông Lam, sông Hương, Đà Lạt cũng là quê hương thứ hai của những người dân miền Trung và đồng bằng Nam bộ. Vì không muốn chịu đựng mãi cuộc sống sưu cao thếu nặng, khao khát một chân trời tự do hơn, dễ làm ăn sinh sống hơn, họ đã đến Đà Lạt “tha phương cầu thực”. Từ khi có con đường bộ Phan Rang- Đà Lạt (1920) và nhất là sau khi khánh thành con đường sắt có răng cưa Đà Lạt (1933), ngày càng có nhiều người Thuận Hải đến Đà Lạt buôn bán, làm ăn và không ít người đã chọn nơi này làm quê hương.

Ở Đà Lạt cũng dễ tìm gặp những con người thành thực, cơi mở của đồng bằng Nam bộ với những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những rừng dừa bao la bát ngát, những rừng tràm, rừng nước hoang vu....Những người Bắc, Trung, Nam ấy đã sống bên nhau ở Đà Lạt tạo dựng được một cuộc đời mới. Không quên quê hương cũ, hàng năm họ thường về thăm quê nhà và đã mang lên Đà Lạt những hạt giống, củ, mầm của những loài hoa quê hương để tô đẹp cuộc đời và giản dị phần nào nổi nhớ quê.

Trong thời gian gần đây, ngành trồng hoa đã được khôi phục và phát triển. Hoa trở thành biểu tượng và đặc trưng của phố núi mộng mơ này. Đà Lạt không chỉ biết đến bởi vẻ đẹp nét rực rở của anh đào, kiêu xa như địa lan, hoang dại như dã quỳ mà Đà Lạt còn mang vẻ đẹp hoang sơ của các loài hoa dại. Hoa ở Đà Lạt e ấp, thẹn thùng mọc rải rác khắp nơi. Dưới rừng thông, trong những khu rừng hỗn tạp ven suối Cam Ly, trên những đồi hoang ven rừng mọc lên những đoá hoa Đà Lạt.


Tags: Điện hoa đà lạt, điện hoa lầm đồng, điện hoa, hoa tươi, điện hoa thái bình