Bất tử được bán như một loại hoa tươi, được dùng để chế tác ra những bình hoa, lẵng hoa... Nhiều du khách và thậm chí cả người Đà Lạt đều tưởng rằng, đó là một loài hoa rừng được thu hái trong tự nhiên. Rất ít người biết rằng, lượng hoa bất tử cung cấp cho thị trường thuộc về cư dân một xóm của Đà Lạt. Đó là cư dân xóm Thác Prenn, nay thuộc về tổ 19 phường 3, nơi có những vườn bất tử tươi tắn sắc màu trong tiếng nước êm dịu của ngọn thác nơi đầu thành phố.
Xóm Thác Prenn vốn có cư dân sinh sống với nghề trồng la ghim như sú, lơ, cải thảo; cây ăn trái như hồng, cà phê. Và từ khi Đà Lạt thu hút đông đảo du khách nội địa, người dân xóm có thêm nghề trồng hoa bất tử.
Chị Đầu Thị Xuân, cán bộ phụ nữ đồng thời là một người gắn bó với bông bất tử kể: “Bông bất tử được trồng ở đây đã khá lâu rồi, phải vài chục năm. Cũng không rõ ban đầu ai là người trồng nhưng bản thân gia đình tôi cũng là một trong những hộ trồng bất tử từ rất sớm. Hiện cả xóm có xấp xỉ 20 hộ trồng bất tử, có hộ trồng tới 2 sào, nhất là những hộ khu vực gần núi. Theo tôi được biết, gần như chỉ có bà con ở xóm Thác này trồng bất tử cung cấp cho thị trường Đà Lạt”.
Những hộ trồng bất tử với diện tích lớn có thể kể tới gia đình chị Xuân, bà Phượng Thoại, anh Bốn Tân... và nhiều hộ gia đình khác.
Vườn hoa bất tử dưới chân đèo Prenn
Theo chị Xuân, ban đầu trồng bất tử, bà con lấy bông khô, giũ hạt rồi gieo trực tiếp trên mặt ruộng nhưng tỉ lệ sống của kiểu gieo này rất thấp nên bà con đã chuyển hướng, coi chăm sóc bất tử cũng kỳ công như chăm sóc một loài hoa đã được thuần hoá. Đó là sau khi lấy hạt, hạt phải được ủ nảy mầm trên cát ẩm có trải xơ dừa, 10 ngày sau, khi hạt nảy mầm được gieo vào bầu, tới khi cây cao khoảng 7cm mới chuyển ra ruộng. Giai đoạn chuẩn bị cây con này mất 1 tháng.
Cây bất tử non được chăm sóc chu đáo với việc tưới nước hàng ngày, bỏ phân và sau 2,5 tháng, cây sẽ cho thu đợt bông đầu. Cây cũng cần phân bón và nếu trời không mưa phải tưới thường xuyên để đảm bảo đủ ẩm.
Chị Xuân chỉ dẫn: “Khi lấy bông để làm giống, chỉ được lấy lứa bông đầu vì hạt từ bông này mới đủ chất lượng, cho lứa sau tốt cây, đơm bông kép. Nếu lấy bông lứa hai lứa ba làm giống, bông ra toàn bông đơn, thị trường không chuộng”. Những tưởng bông bất tử dễ dãi, nhìn công chăm sóc của bà con mới thấy có được cành bông đẹp, vừa ý du khách cũng phải đổ nhiều mồ hôi của người trồng hoa.
Gia đình anh Minh, một nông dân nhiều năm trồng hoa bất tử tâm sự, bông bất tử gần như chỉ trồng để phục vụ du khách nên bà con cũng canh xuống giống đúng thời vụ sao cho có bông vào dịp khách tết và khách hè. Vụ bông tết phải xuống giống vào tháng 10, bông hè xuống giống vào tháng hai. Hiện bà con có hai cách thu hoạch, một là chờ bông nở đủ độ, cắt cành dài chừng 40-45cm bó lại bán như hoa tươi với giá trung bình 5 ngàn đồng/bó 3-4 cành; cách thứ hai là chuyên cắt nụ để làm hoa giỏ, hoa bó với giá trung bình 10-15 ngàn đồng/kg.
Nếu cắt cành, cây sẽ ra tiếp chừng 3-4 đợt rồi tàn trong thời gian 3 tháng, còn lấy nụ cây bền hơn, cho năng suất cao chừng 5-6 tháng là phải phá đi trồng lứa mới.
Theo anh Minh, tuy bất tử không cho thu nhập cao như trồng hoa hay la ghim nhưng bù lại chi phí đầu tư thấp, cây con tự sản xuất được. Thêm vào đó, trồng bất tử ổn định, vào mùa du lịch tiền thu được hàng ngày, không lo giá lên giá xuống như trồng các loại cây khác.
Anh Minh cũng tính 0,1 ha bông bất tử cũng thu chừng 12-15 triệu/vụ, thu nhập ổn định so với trồng rau. Bởi vậy, dân xóm Thác vẫn gắn bó với cây bất tử, cung cấp cho thị trường hàng vạn cành hoa rực rỡ sắc màu. Hiện một số gia đình ở Đức Trọng, nơi giáp ranh Đà Lạt cũng bắt đầu trồng loại hoa giản dị này.
Từ bàn tay của những người nông dân bình dị nơi ngọn thác Prenn rì rào đêm ngày, những bông bất tử dâng tặng cho du khách xa gần một chút hương của loài hoa Đà Lạt dân dã và hoang sơ.
Tags: hoa bất tử,hoa tươi,điện hoa việt,hoa trực tuyến 63 tỉnh,danh lam